Tìm hiểu cà phê Robusta
Cà phê Robusta là gì?
Robusta có tên khoa học là Coffea Robusta, hay Coffea Canephora. Người Việt đặt cho nó một cái tên thân thuộc là cà phê Vối. Đây là một loại cafe có nguồn gốc từ Cộng hoà Congo. Ban đầu đây chỉ là một loại cây dại phía Tây và Trung Phi, sau đó mới được trồng rộng rãi ở các nước châu Phi như Liberia, Tanzania hay Angola.
Ở Việt Nam, cà phê Vối được người Pháp mang vào để trồng từ năm 1875. Ban đầu diện tích chủ yếu là ở các tỉnh phía Bắc như Hà Tĩnh, Thanh Hóa hay Nghệ An. Tuy nhiên sau này do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nên Robusta được chuyển vào các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Lăk hay Lâm Đồng.
Đặc điểm sinh học
Cà phê Rubusta có thân khá lớn, có thể cao đến 10 mét, cành có nhiều nhánh và tán lá rộng. Giống cà phê này rất ưa sống ở những vùng có độ cao dưới 1000 mét và phổ biến ở 850 – 900 mét. Nhiệt độ thích hợp vào khoảng 24 – 29oC. Cà phê Robusta sinh trưởng tốt nhất trong vùng có mưa nhiều và nhiều ánh nắng mặt trời.
Hạt cà phê Robusta có hình tròn, đường kính từ 10 – 13 mm. Vị cafe Robusta có phần đậm hơn Arabica do hàm lượng cafein từ 2 – 4%. Một số người rất ưa thích loại cà phê nguyên chất này bởi vị đậm đà, có mùi thơm đặc trưng.
Đặc điểm hương vị cà phê Robusta nguyên chất
So với Arabica hương vị của cà phê Robusta nguyên chất được người thưởng thức đánh giá kém hơn. Chất vị nhìn chung đậm, chát và đắng hơn nhiều so với Arabica. Thêm vào đó Robusta thường được chế biến khô dẫn đến hương vị càng chát đắng hơn, có mùi từ ngũ cốc đến gỗ, đất.
Tuy nhiên bù lại thiệt thòi về chất vị, cafe Robusta có hàm lượng Caffein trung bình cao gấp đôi so với Arabica (2% -2.5% so với 1.1% -1.5%). Vì vậy sự kết hợp cà phê Arabica cùng Robusta cho tổng hòa chất lượng tương đối cao hơn cà phê Arabica. Chính vì điều này các loại cà phê Ý (Espresso) luôn có 10 -15% cà phê Robusta để tăng cường hương vị và tạo lớp Crema hấp dẫn hơn.
Cà phê Robusra nguyên chất chứa nhiều hàm lượng Chlorogenic Acid (CGA). Tuy được gọi là Acid nhưng Chlorogenic Acid không đặc trưng bởi “vị chua” mà là “vị đắng”. Trong quá trình rang, CGA sẽ phân hủy để tạo thành axit caffeic và axit quinic. Cùng với caffeine – những chất này gây nên vị đắng thường thấy ở Robusta. Đó là lý do vì sao chúng ta nói Robusta có gấp đôi lượng axit – nhưng thực sự nó không hề chua, mà đắng hơn Arabica.
Vùng trồng cafe Robusta ở Việt Nam
Các vùng trồng cà phê Robusta ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng. Thế nhưng, khi nhắc tới các vùng trồng cafe nổi tiếng nhất không thể không thể đến Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Với đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu và độ cao rất phù hợp để trồng giống cà phê này. Vùng đất này làm vùng chuyên canh cây cafe với các huyện Ea ao, Etam, Tân lợi, Cư Mgar, Krong Ana…. Nơi đây nổi bật với vùng đất đỏ bazan với độ cao 500-600m so với mực nước biển. Khí hậu lại mát mẻ, mưa nhiều. Mang đến điều kiện thuận lợi nhất.
Không chỉ riêng các vùng đất này, mà có những nơi như Lâm Đồng, Gia Lai, Sơn La… cũng là những vùng đất mang đến hương vị cafe nguyên chất ngon. Tuy nhiên, do sự khác biệt về thổ nhưỡng mà hương vị Robusta mang lại có sự khác biệt so với các vùng khác. Người sành cà phê có thể dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt ấn tượng mà loại cà phê này mang lại.
Tác giả: Thành Trung
Ý kiến bạn đọc